Cô hiệu trưởng và câu chuyện gây dựng thương hiệu trường ấn tượng

GD&TĐ – Từ cơ cở vật chất thiếu thốn, cũ nát, thiếu học sinh, Trường tiểu học Thị trấn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lột xác, trở thành trường đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và là niềm mơ ước của rất nhiều phụ huynh, học sinh.

Trong câu chuyện về sự đổi thay đáng ngưỡng mộ của ngôi trường này có vai trò đầu tàu của người nữ hiệu trưởng – cô Ngô Thị Kim Dung.

Cô Ngô Thị Kim Dung và học trò Trường tiểu học Thị trấn Thắng

Từ ngôi trường cũ đến niềm mơ ước của học sinh Hiệp Hòa

Được điều động về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Thị trấn Thắng từ tháng 2/2007, cô Dung nhớ như in cảm giác “nản” khi cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn và quá cũ nát, từ phòng học, sân chơi, bãi tập. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến dù là trường thị trấn, nhưng nhiều học sinh không chọn học tại trường đúng tuyến mà xin sang Trường tiểu học Đức Thắng 1, thuộc địa bàn xã Đức Thắng – một điểm sáng về giáo dục của tỉnh khi đó.

“Khi đó, giáo viên nhà trường nói với tôi: Hiệu trưởng không nhờ đài truyền thanh của huyện thì học sinh sang hết Đức Thắng 1 học” – cô Ngô Thị Kim Dung kể lại.

Đây thực sự là khó khăn lớn đối với nữ hiệu trưởng mới. Nhưng rất nhanh chóng, cô đã quyết định được hai vấn đề then chốt giúp thay đổi hình ảnh nhà trường, “kéo” học sinh quay lại trường học đúng tuyến, đó là: phải tham mưu tích cực, hiệu quả với địa phương cũng như các cơ quan, ban, ngành của huyện trong công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…

Nỗ lực, cố gắng, xong khó khăn, nan giản nhất liên quan đến đội ngũ vì những gì là cố hữu, lối mòn trong suy nghĩ không dễ thay đổi. May mắn, đúng lúc đó, nhà trường được dự án Jaica hỗ trợ về phương pháp.

Cô Dung kể: Thời gian đầu, giáo viên không tiếp nhận vì phải thay đổi hoàn toàn về mục tiêu cần hướng tới. Nếu như trước, giáo viên soạn bài, lên lớp giảng bài, hết giờ thì thôi, không cần biết sau giờ dạy có bao nhiêu học sinh hiểu bài, bao nhiêu học sinh không hiểu bài…, thì giờ đây, các thầy cô cần phải biết trong giờ dạy, học sinh học được gì; vì sao học sinh không học được để có những điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với từng lớp, từng học sinh…

“Để làm được điều này, ban giám hiệu nhà trường, với sự quan tâm sát sao của phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT, chúng tôi đã tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Nghĩa là, giáo viên thực hiện tiết dạy trên cơ sở mục tiêu học sinh học được gì sau giờ học; vì sao học sinh đó không học; vì sao học sinh đó chưa hiểu và người dự cũng quan sát quan sát như vậy.

Sau giờ dự, thay vì nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên thì toàn thể giáo viên tham dự đi sâu phân tích các vấn đề quan sát được từ học sinh trong giờ học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiêm cho những tiết dạy sau” – nữ hiệu trưởng chia sẻ cách làm.

Nguồn: Vnexpress.